Mùa Hạ

Cuối năm lớp 11, là một thằng con trai khối tự nhiên, mà toán lý hóa trong tiềm thức của tôi, đều trở nên mù mờ khó hiểu.

Mọi thứ khiến tôi xuống tinh thần trầm trọng, gần như cố gắng đều là con số 0. Thành tích vẫn duy trì “ổn định”, cuối lớp, gần cuối lớp và gần gần cuối lớp. Tôi mất hy vọng thi đỗ vào những ngôi trường mình mơ ước.

Nỗi sợ đó như một cái bóng rất lớn đi cạnh tôi, cùng tôi đến lớp gặp bạn bè, cùng tôi ăn cơm với bố mẹ, cùng tôi thức trắng đêm suy tư không thể chìm vào giấc ngủ.

Hhmm…

Một buổi sáng, hạ sớm, đầu tháng 5, trong giờ ra chơi, ngang qua dãy hành lang ồn ào náo nhiệt, hướng về phòng vệ sinh ở cuối dãy, nơi tôi muốn rửa mặt bằng làn nước mát lạnh, làm dịu khuôn mặt đang đỏ ửng bởi thời tiết. Tự nhiên, khi đi đến địa phận lớp 11A12 – khối Xã hội, tôi chợt nghe được một vài câu thoại khá thú vị.

Có một nhóm con gái đang nói chuyện, bên ngoài hành lang.

– Chúng mày ơi, sao khối xã hội ít con trai thi nhỉ?

– Chúng nó cứ nghĩ mọi thứ bên tự nhiên là thần thánh nhất rồi, có coi khối xã hội ra thứ gì đâu.

– Thử cho bọn con trai đấy sang học khối xã hội bọn mình xem, tao cá chúng nó phải ngủ gật nhiều hơn nghe giảng.

Mấy đứa con gái cười lớn. Có một giọng nói nào đó, muốn được lên tiếng tham gia câu chuyện, thì nhận ra sự có mặt vô duyên của tôi, nên cô nàng đã im lặng. Tôi khẽ cười nhạt trên môi, từ tốn bước ra khỏi câu chuyện của những người ấy.

“Ai nói con trai không thể giỏi khối Xã hội? Tôi sẽ chứng minh, con trai còn cực giỏi là đằng khác. Chờ xem.”

Vậy là, từ thời điểm đấy trở đi, tôi đả thông suy nghĩ, quyết định từ bỏ khối tự nhiên sau 2 năm gắn bó và chịu đựng. Tôi sẽ chuyển sang theo học khối xã hội đầy những văn bản và triết lý. Không phải là quá muộn để thay đổi, chỉ là hơi sợ hãi để thích nghi với nó.

Vậy là năm 12, tôi làm đơn chuyển khối. Mỉm cười chờ ngày được vác xác sang lớp xã hội. Nhưng, trớ trêu thay, đơn xin chuyển lớp của tôi đã bị hiệu trưởng từ chối không một lý do. Vậy là đành im lặng, giữa cái lớp học 38 người, họ theo khối tự nhiên, chỉ có mình tôi đơn độc, nói về ban xã hội trước sự lạ lẫm của chúng bạn. Ngẫu nhiên tôi trở thành đứa giỏi văn nhất lớp. )

Một tháng sau khi học chính năm lớp 12, tôi mới bắt đầu đi học thêm văn. Cũng không có gì đặc biệt lắm.

Vào một buổi chiều đẹp trời giữa tháng 9, tôi đi học buổi ngữ văn đầu tiên. Tìm kiếm và hỏi thăm địa chỉ lớp học, sau bao lần đi vào những con hẻm cụt, cuối cùng tôi cũng mò đến lớp học thêm. Dắt xe đầy lặng lẽ bước qua cánh cổng sắt màu xanh, một khu vườn trồng đầy cây ăn trái và hoa sứ, tôi để xe ở khoảng sân nhỏ trước nhà, đi vào lớp học ngồi như một sinh vật lạ.

Hàng chục đứa con gái trố mắt nhìn tôi, ngay cả cô giáo cũng vậy.

“Thôi rồi, tôi là thằng con trai duy nhất trong lớp học thêm đó”.

– Em chào cô! – Tôi đứng “bẽn lẽn” ở cửa lớp. Cô gật đầu, mỉm cười chào mừng tôi vào lớp. Không khí lớp học chưa thể ổn định kể từ khi tôi xuất hiện. Lũ con gái nhìn theo tôi không rời nửa bước cho tới khi tôi yên vị ngồi vào chỗ của mình, cái bàn trống nơi cuối lớp.

Có con mắt nhìn tôi kiểu khinh khỉnh, giả như đang thách thức tôi rằng, “xem loại con trai như mày thì chịu đựng được bao lâu?”

Có con mắt thì nhìn tôi kiểu ngạc nhiên thật sự, khó tả được cái ánh nhìn ấy, rất khó tả.

Và còn có những con mắt, coi sự có mặt của tôi thật… bình thường.

Lớp học ổn định trong một vài phút sau đó, đa phần bọn con gái trong lớp này đều biết nhau, cô giáo cũng biết chúng nó là ai.

Còn tôi, ngay cả tên của cô giáo tôi còn chẳng biết, thì 27 đứa con gái trong lớp này, đều là xa lạ.

Buổi học thêm đầu tiên của tôi bắt đầu như thế đấy, xấu hổ mà anh dũng tràn trề.

Từ vị trí cuối lớp, một thân một mình tôi nhìn bao quát cả lớp. Có 3 thứ tôi nhìn thấy, đó là gái, gái, và chỉ toàn là con gái. Nghĩ lại mà tôi còn rùng mình. Đang vu vơ trống cằm thở dài ghi ghi vài thứ trên tấm bảng đen trước mặt, thì tôi bị cô dạy văn mời đứng dậy trả lời câu hỏi.

Ngơ ngác, há hốc mồm… nhưng tôi nhanh chóng “khép lại”.

– Mời bạn nam duy nhất ở cuối lớp nào?

Tôi từ từ đứng dậy, ánh mắt không thôi nhìn cô. Bàn tay trái tự chỉ tay vào ngực mình. Cô gật đầu. Thoáng nhìn xung quanh, tôi nhận ra cả đám con gái cũng đang nhìn, vội vàng lấy lại dáng khí anh kiệt, tôi tự tin.

– Bạn nam tên gì nhỉ?

– Em tên K ạ.

– Họ tên đầy đủ chứ, cứ nói trống không nghe cứ…

– Dạ, em tên Phạm K… – Tôi vội chữa cháy.

Thở phào nhìn cô. Giờ, tôi sẽ gọi là cô Hoa nhé.

Đưa mắt xem phản ứng của đám con gái, tôi bắt gặp một khuôn mặt rất quen ở dãy bàn thứ 2. Vò đầu nghĩ mất vài giây…

– Em hiểu thế nào về câu thơ “Anh bạn dãi dầu không bước nữa, gục lên súng mũ bỏ quên đời”?

Mấy đứa con gái gần tôi nhắc khéo, mấy anh bộ đội Tây tiến nằm nghỉ ngơi sau những lần hành quân đường dài. Còn có bạn nhắc nghe thâm thúy và đầy thuyết phục, rằng chiếc mũ của bộ đội rất êm, có thể làm gối nằm thoải mái mà không bị đau đầu, hẳn là êm hơn mặt đất, nên tác giả mới nói gục lên súng mũ. Còn người chiến sĩ dùng súng với chức năng như gối ôm vậy.

Tất nhiên tôi cũng đâu quá ngu mà để bọn con gái gần đó hạ mình xuống được. Ung dung trả lời, mặc kệ đúng sai.

– Thưa cô là, sau những lần hành quân mệt mỏi, người lính Tây tiến lại ngả mình vào giấc ngủ để hồi lại sức, giấc ngủ quên đi sự mệt mỏi, những khó khăn, hiểm nguy đang rình rập họ. Câu thơ cũng có thể hiểu, người lính Tây tiến đã không tiếc tuổi trẻ, tính mạng của mình, để tham gia bảo vệ vùng đất biên giới Việt – Lào, một số người đã mãi mãi nằm xuống…

Chưa kịp nói hết câu, mà thú thật là tôi cũng chẳng biết mình đang trả lời cái thứ gì nữa, thì cô Hoa ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Cô mỉm cười và giơ ngón tay cái lên (like), như thể nói rằng, “em đã trả lời rất tốt”.

Một số ánh mắt nhìn tôi ngưỡng mộ.

Nhưng, tôi không cảm thấy vui vẻ, kỳ lạ thật, chỉ vì dáng vẻ khinh khỉnh, coi thường của một bạn dãy bàn thứ 2 kia, làm tôi bỏ lơ đi những sự ngưỡng mộ gần cạnh.

Vài giây nghĩ lại, như một luồng điện chạy xẹt qua trí óc, tôi đã nhớ, cô gái đó, ngày hôm đó, câu chuyện tôi đã nghe được ngoài hành lang cùng lúc đó…

Và giờ đây, tôi càng có động lực để chứng tỏ cho bạn kia thấy rằng, những gì cô ấy nghĩ, “con trai không hề ngu ngốc khi thử mình vào khối xã hội. Nhất định tôi sẽ cho cô ấy thấy! Nhất định…”

Phần 2

Đầu năm lớp 12, trong khi nhà nhà người người ở lớp, hết làm đề lý, lại chuyển sang giải đề hóa, thì tôi chỉ biết chống cằm đánh thượt những tiếng thở dài vô nghĩa. Thật lòng mà nói, những môn tôi thi đại học, nó không liên quan đến lớp tự nhiên này.

Không học thêm hóa nữa, không học thêm lý nữa và toán thì lại càng không, tôi rất khó khăn để học được trong lớp. Đôi khi, muốn mình lên tận phòng hiệu trưởng đối chất và yêu cầu chuyển sang lớp xã hội, nhưng khi đứng trước cửa phòng, sự dũng cảm của tôi biến đâu mất, đành im lặng, học và phải học trong cái môi trường sa sút nhân tài.

Nhưng mà, thề mà nói, “tôi vẫn ổn”.

Cuối năm lớp 11, tôi có một mối tình tưởng chừng sẽ không thể tan vỡ, sau khi trải qua bao sóng gió, chúng tôi đến với nhau, ở bên nhau, tình cảm cũng lãnh đạm mà nhiều lên như thể, chẳng có lúc nào ngừng lại vậy. Chúng tôi đã có duyên, có phận, nhưng duyên phận ấy lại mong manh và quá ngắn ngủi.